Vị trí cửa ngõ của Vùng Thủ đô, dòng vốn FDI liên tục đổ về, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ… những yếu tố này đã tạo cú huých tăng trưởng cho Kinh tế - Xã hội của Thái Nguyên.

Nhìn thấy rõ nhất là cảnh quan đô thị Thái Nguyên đang được "thay áo mới", chất lượng sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Và như một quy luật tất yếu, bất động sản (BĐS) Thái Nguyên cũng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh.

Sức bật từ "Thủ phủ công nghiệp" Thái Nguyên

Thái Nguyên sở hữu vị trí chiến lược quan trọng của vùng, chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 30 phút di chuyển, là cửa ngõ kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Đồng thời, với hệ thống đường cao tốc, đường liên tỉnh được quy hoạch bài bản như: Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường vành đai 5, hay dự án đường kết nối các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang…, Thái Nguyên sở hữu 03 loại hình giao thông quan trọng là đường hàng không, đường bộ và đường sắt. Từ vị trí của Thái Nguyên, các hoạt động giao thương, logistic đến các vùng lân cận trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Từ vị trí địa lý cộng hưởng cùng hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện, Thái Nguyên trở thành điểm đến lý tưởng của các tập đoàn đa ngành hàng đầu thế giới như: Samsung (Hàn Quốc) với tổ hợp công nghệ cao, Cộng hòa Liên bang Đức (Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer), Trung Quốc (Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar)... Thực tế ghi nhận, từ sáng sớm tới khuya, trên các nẻo đường kết nối tới Thái Nguyên, từng chuyến xe đưa chuyên gia, kỹ thuật, công nhân đến và đi các khu công nghiệp, nhà máy nối nhau đông vui, tấp nập. Nguồn vốn FDI đổ về Thái Nguyên đã khiến vùng đất giáp với Hà Nội đang thay da đổi thịt mỗi ngày.

Tính đến giữa năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 690 dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách của doanh nghiệp còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký trên 122 nghìn tỷ đồng. Cũng trong năm này, dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên vẫn đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung của toàn quốc. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, Thái Nguyên được ví như một trong những cực tăng trưởng của vùng Đông Bắc.

Bên cạnh phát triển khu công nghiệp, hiện nay chính quyền Thái Nguyên đã chú trọng vào thay đổi hạ tầng đô thị. Theo Nghị quyết thông qua quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ghi "Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội". Đây cũng là một phần lý do khiến môi trường đầu tư tại Thái Nguyên có những thay đổi tích cực, đặc biệt là BĐS.

Ghi nhận thực tế đã chứng minh sức hút của Thái Nguyên, các dự án BĐS được đầu tư quy mô cả về số lượng và chất lượng. Những dự án sở hữu tiện ích đầy đủ, pháp lý minh bạch kéo theo dư địa tăng giá của bất động sản Thái Nguyên luôn cao hơn các tỉnh có điểm tương đồng về vị trí và tiềm năng.

Thị trường BĐS phía Nam Thái Nguyên hấp dẫn nhà đầu tư

Trong những năm qua, khu vực phía Nam của tỉnh Thái Nguyên với các huyện Phú Bình, TX. Phổ Yên và TP. Sông Công luôn nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi tiềm năng phát triển đồng đều về công nghiệp, xây dựng, đô thị và thương mại, dịch vụ…Hạt nhân quan trọng được xác định là TP Sông Công, với định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị bản lề, trung chuyển kinh tế giữa các vùng trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.

Xét về vị trí, TP Sông Công có vị trí chiến lược quan trọng, cách Hà Nội hơn 50 km, cách sân bay Nội bài 38 km, cách TP Thái Nguyên 16 km và dễ dàng kết nối tới các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng như Hồ Núi Cốc, Hồ Ghềnh Chè, sân golf… Khi hệ thống giao thông, đường cao tốc hoàn thiện thì thời gian di chuyển từ TP Sông Công tới các điểm du lịch hay các vùng lân cận được rút ngắn hơn nữa.

Bản đồ quy hoạch KCN tại Thái Nguyên.

Xét về Công nghiệp, hiện TP Sông Công sở hữu 2/6 KCN lớn của cả Thái Nguyên là: KCN Sông Công I (quy mô 220 ha); KCN Sông Công II (quy mô 250 ha), sắp tới được triển khai giai đoạn 2 tăng quy mô lên 550 ha và vẫn tiếp tục mở rộng cụm công nghiệp cả về quy mô và số lượng.

Công nghiệp phát triển kéo theo các ngành nghề phụ trợ như giao lưu, mua sắm, giải trí… của Thái Nguyên tăng theo. Cùng với số lượng chuyên gia nước ngoài, kỹ thuật, lao động di cư rất lớn và mức sống của người dân địa phương được nâng cao, nhu cầu về nhà ở đặc biệt là nhà ở chất lượng cao trở thành bài toán khó cho TP Sông Công nói riêng và Thái Nguyên nói chung.

Cộng hưởng nhiều yếu tố, TP Sông Công được giới chuyên gia đánh giá là một thành phố trẻ đang bứt tốc tăng trưởng, cần nhiều nhà đầu tư BĐS lớn dám khai phá thị trường đầy tiềm năng này.

Theo Tổ Quốc